Cuộc chiến chống lại nghèo đói đã mang lại các kết quả tích cực trong những thập kỷ gần đây, nhưng cũng giống như bất cứ một hành trình nào, đoạn cuối cùng của con đường cũng là đoạn cam go nhất. Để đạt được mục tiêu xóa bỏ đói nghèo thì chúng ta cần có một hướng đi mới, một tâm điểm mới. Tâm điểm này chính là trẻ em. Vì thế cần đưa ra các giải pháp để phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo bao bọc gia đình các em.
Ở tất cả các nước, trẻ em chiếm đa số trong các số liệu thống kê đói nghèo. Nếu không nỗ lực giảm nghèo ở trẻ em, không giải quyết những thiếu thốn mà các em đang phải đối mặt, thì chúng ta có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói hôm nay, nhưng không thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chiến đấu với nghèo đói ở trẻ em là đầu tư vào tiềm năng con người. Giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em chính là thực hiện đầy đủ quyền trẻ em được phát triển hết tiềm năng của mình.
Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam về tình trạng nghèo của trẻ em Việt Nam và những giải pháp chống lại đói nghèo.
Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam trong chuyến thăm dự án của UNICEF ở Gia Lai – Ảnh Trương Việt Hùng |
Bà đánh giá thế nào về tình trạng nghèo của trẻ em Việt Nam hiện nay, thưa bà?
Bà Rana Flowers: Tình trạng đói nghèo không chỉ gói gọn trong thu nhập, mà còn liên quan đến nhiều dịch vụ công cần thiết cho sự phát triển của trẻ em như giáo dục, y tế, bảo vệ và các lĩnh vực khác. Trẻ em bị đói nghèo, bị tước mất những nhu cầu khác nhau trong cuộc sống bao gồm dinh dưỡng, y tế, nước sạch, giáo dục, bảo vệ và nhà ở. Tuy nhiên, nghèo về thu nhập hay về tiền bạc cũng là vấn đề đáng quan tâm. Mức sống của một gia đình là một trọng những yếu tố quyết định quan trọng liên quan đến những quyền lợi của trẻ không được thực hiện. Ngay cả khi không thực sự bị thiếu thốn một cách tuyệt đối, việc có mức sống thấp hoặc ít có cơ hội được học tập, chăm sóc y tế hoặc dinh dưỡng hơn so với bạn bè cũng sẽ hạn chế những cơ hội mà trẻ có được cho cuộc sống tương lai.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác giảm nghèo trong những thập kỷ qua, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 4 triệu trẻ em bị thiếu hụt tiếp cận ít nhất hai dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và bảo vệ. Các bằng chứng cho thấy, hơn một nửa trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều.
Những thách thức ngày càng trở nên phức tạp khi trẻ em Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do bối cảnh kinh tế – xã hội thay đổi. Các em bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu và thiên tai. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất cũng chính là những em chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vì bản thân các em đã là những trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao rơi vào cảnh nghèo đói vì suy dinh dưỡng, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh yếu kém, không được hưởng nền giáo dục có chất lượng và không có cơ hội phát triển kỹ năng. Thêm vào đó, cha mẹ các em thường lại không có công việc ổn định trong khu vực phi chính thức. Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo ở trẻ em bởi các em phải gánh chịu nhiều vấn đề gia tăng do trường học đóng cửa, kết nối hạn chế, cô lập tại nhà, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế, thiếu nước sạch vệ sinh và bạo lực gia đình gia tăng.
Bà có thể cho biết, ảnh hưởng của nghèo đa chiều đến sự phát triển của trẻ em trong tương lai?
Bà Rana Flowers: Nghèo đói là vi phạm quyền trẻ em. Nếu trẻ em lớn lên trong nghèo khổ, khi trưởng thành các em có nhiều nguy cơ trở thành người nghèo. Trẻ em lớn lên trong môi trường đói nghèo, thiếu các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu sẽ phải gánh chịu hậu quả suốt đời như sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém, bỏ lỡ hoặc không được học hành, gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, không được bảo đảm an toàn, lòng tự tôn thấp, bị kỳ thị, bạo lực, ít có cơ hội kiếm được việc làm để bảo đảm thu nhập ổn định. Vì vậy, nghèo ở trẻ em đã khóa chặt các em trong một thế giới mà các em không thể phát huy hết tiềm năng của mình và không thể nắm bắt được các cơ hội để đóng góp cho xã hôi và nền kinh tế.
Vì vậy, nghèo trẻ em có tác động tiêu cực đến sự phát triển nguồn vốn con người của quốc gia, kéo theo là tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng ở trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và trí tuệ và vì thế có thể dẫn đến mất năng suất lao động. Bằng cách giải quyết vấn đề nghèo ở trẻ em, các quốc gia như Việt Nam có thể giảm nghèo ở người lớn trong tương lại, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận kinh tế.
Bà có thể cho biết, những vấn đề về thể chế chính sách liên quan đến giảm nghèo trẻ em tại Việt Nam hiện nay?
Bà Rana Flowers: Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) số 1 đã xác định trẻ em là một nhóm đặc thù cần được đo lường tình trạng nghèo vì trẻ em đặc biệt có nguy cơ cao bị rơi vào cảnh nghèo đói. Theo Ngân hàng Thế giới, trẻ em chiếm 50% số người nghèo có mức sống dưới 1,9 USD một ngày trên toàn thế giới, như vậy là tỷ lệ trẻ em nghèo rất cao vì trẻ em chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, phương pháp đo lường nghèo trẻ em chưa được phê chuẩn chính thức và không được theo dõi một cách có hệ thống. Những phương pháp và cơ chế đo lường hiện nay đã không đo lường được một cách chính xác những thiếu hụt cụ thể của trẻ em mà những thiếu hụt này lại rất khác với những thiếu hụt của người lớn, và vì vậy đã bỏ rơi khoảng 60% trẻ em không được hưởng các chương trình hỗ trợ khác nhau. Việt Nam cũng chưa có điều tra quốc gia nào thu thập số liệu về nghèo trẻ em một cách thường xuyên. Thiếu hệ thống giám sát ở cộng đồng làm cho việc xác định những thay đổi cơ bản về tình hình trẻ em trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai hoặc COVID-19 ở cấp trung ương và địa phương trở nên khó khăn. Hậu quả là những chính sách giúp giải quyết khủng hoảng bị chậm trễ.
Các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam có đối tượng hạn hẹp. Chỉ có khoảng 10% trẻ em được nhận trợ cấp – mà phần lớn là các khoản trợ cấp giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và một số nhóm trẻ em đặc thù theo quy định của pháp luật. Chưa đến 1% trẻ em dưới 36 tháng tuổi được nhận trợ cấp và những khoản trợ cấp này có giá trị thấp. Các trở ngại về mặt hành chính như kết hợp nhiều phương pháp xác định đối tượng, quy trình thẩm định đối tượng thụ hưởng phức tạp và cơ chế chi trả phụ thuộc chủ yếu vào Bưu điện đã bỏ sót nhiều gia đình và trẻ em thậm chí đủ tiêu chí hưởng trợ cấp. Đây chính là trường hợp của gói hỗ trợ tiền mặt của chính phủ cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội hiện nay chưa ứng phó được với những cú sốc lớn như khủng hoảng kinh tế, thiên tai hay bùng phát đại dịch. Hệ thống trợ cấp tiền mặt thường xuyên chưa đủ linh hoạt để mở rộng phạm vi bao phủ ngay khi khủng hoảng xảy ra. Do vậy, nhiều trẻ em và gia đình vẫn không nhận được những khoản hỗ trợ mà họ đang rất cần, không chỉ để phục hồi từ những tác động của đại dịch COVID-19 mà còn để ổn định lại cuộc sống và sinh kế lâu dài.
Nghèo trẻ em thường phản ánh sự đầu tư không công bằng của Chính phủ vào các dịch vụ xã hội. Hiện nay, Việt Nam phân bổ 0,04% GDP cho trợ cấp xã hội thường xuyên dành cho trẻ em. Mức này thấp hơn nhiều so với các quốc gia thu nhập trung bình khác trong khối ASEAN.
UNICEF khuyến nghị và hỗ trợ như thế nào để giảm nghèo trẻ em tại Việt Nam, thưa bà?
Bà Rana Flowers: COVID-19 rõ ràng là một cuộc khủng hoảng quyền trẻ em – gián đoạn cung cấp dịch vụ thường xuyên tạo sức ép lên các gia đình phải chi nhiều tiền hơn cho chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, dịch vụ internet để học trực tuyến, chăm sóc trẻ em và phương tiện vận chuyển thay thế. Trong khi đó, rất nhiều cha mẹ bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Các gia đình đang nghèo sẽ càng nghèo hơn, các gia đình đang ngấp nghé thoát nghèo sẽ lại bị rơi vào cảnh nghèo. Nhiều gia đình sẽ phải vật lộn với cuộc sống để nuôi con, tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em và những vấn đề khác mà họ phải đối mặt. Các nhà kinh tế dự đoán rằng cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, để phục hồi sẽ mất một quãng đường khá dài phía trước.
Theo dõi và báo cáo thường xuyên tình trạng nghèo trẻ em là hết sức quan trọng để bảo đảm các kế hoạch và chương trình chính xác và có mục tiêu được thiết lập nhằm chấm dứt tình trạng nghèo trẻ em và để theo dõi những tiến bộ đạt được. Một bước đi đầu tiên tích cực là sử dụng công cụ đánh giá nghèo đa chiều trẻ em để theo dõi tiến bộ đạt được so với các Kế hoạch phát triển quốc gia (SEDPs) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Thiết lập cơ chế cung cấp số liệu thường xuyên là một bước đi then chốt để các nhà lãnh đạo có được thông tin đẩy đủ một cách kịp thời, để đưa ra những quyết định điều chỉnh chính sách và phân bổ ngân sách. UNICEF sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tiến trình này và rất mong Việt Nam sớm phê duyệt chính thức.
Hơn hết, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em và đẩy mạnh đầu tư cho tương lai của đất nước. Theo báo cáo mới được công bố của Viện Phát triển Hải ngoại (Overseas Development Institute) và UNICEF, các gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em đã chứng tỏ hiệu quả làm giảm tỷ lệ nghèo. Đầu tư 1% GDP cho gói trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em ở các quốc gia thu nhập trung bình có thể giúp giảm 20% nghèo trên toàn dân số. Do đó, UNICEF khuyến khích Chính phủ Việt Nam nắm lấy cơ hội này để đẩy nhanh chương trình cải cách trợ giúp xã hội. Một bước đi quan trọng chính là sửa đổi chương trình hỗ trợ tiền mặt, mở rộng độ bao phủ và tăng mức hưởng. UNICEF cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc đang vận động Chính phủ xây dựng một lộ trình thực hiện theo các giai đoạn, trong đó ưu tiên hàng đầu cho tất cả trẻ em từ 0-3 tuổi vì đây là giai đoạn then chốt trong sự phát triển của trẻ em và dần dần mở rộng độ bao phủ đến cả những trẻ em lớn tuổi hơn. Cần ưu tiên xây dựng một hệ thống trợ giúp xã hội được trang bị một cơ chế tích hợp để có thể dự đoán và ứng phó với các rủi ro của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh bùng phát.
Gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em cần phải được đặt trong tổng thể và được hỗ trợ bởi các chính sách xã hội rộng lớn hơn, trong đó hỗ trợ tiền mặt và dịch vụ nhằm cải thiện phúc lợi của trẻ em – trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực – tất cả đều hướng tới phát triển nguồn vốn con người có chất lượng. Điều cốt yếu là giảm nghèo trẻ em cần phải được đặt là trọng tâm trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như cần phân bổ ngân sách để thực hiện một cách hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nhật Thy (thực hiện)